Không thể phủ nhận tính tích cực của việc phát triển này khi có thể tạo thêm sân chơi và động lực cho các bạn trẻ đam mê viết lách, nhưng bên cạnh đó, nó cũng mang lại không ít những hệ lụy. Trong đó, việc tranh cãi về truyện thuần Việt hay không thuần Việt đang là chủ đề nóng bỏng trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng xã hội hiện nay. Vậy, vì sao lại xảy ra việc tranh cãi này, và liệu nó sẽ chấm dứt trong tương lai gần? Hãy cùng blog Vietnovel đi tìm lời giải cho câu hỏi này nhé!  

1. Văn học mạng là gì?

Các bạn đọc tiếp ở đây nhé!

2. Truyện thuần Việt là gì?

Có rất nhiều định nghĩa từ chuyên sâu cho đến phức tạp, song có thể hiểu theo cách đơn giản nhất, truyện thuần Việt là truyện được viết bằng tiếng Việt, dùng từ ngữ và ngữ pháp tiếng Việt. Trong đó, cách viết câu, văn phong, bối cảnh, tên nhân vật hoặc tên địa danh trong truyện đều phải mang “chất Việt” chứ không phải “vay mượn” hay “bắt chước” hoặc “sao chép” từ các nước khác.

Tuy nhiên, với sự du nhập của nhiều dòng văn học đến từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Anh, châu Âu,… rất khó để văn học mạng Việt Nam có thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của dòng chảy này. Và đó là lý do mà khi tình cờ đọc một bộ truyện nào đó trên mạng, nhiều độc giả sẽ không thể nhịn được mà phải thốt lên rằng: “Tại sao truyện này lại Tây như vậy? Hay truyện này có phải lậm Trung Quốc quá không? Hoặc Việt Nam mình có tên họ như nhân vật này sao?...”  

Khi độc giả hoang mang thì tác giả phải lên tiếng, và trong quá trình hai bên thảo luận thì tranh cãi xảy ra là lẽ tất yếu. Và đó là lý do mà tại các nhóm cộng đồng viết lách trên mạng xã hội hiện nay, mọi người rất dễ bắt gặp những trận “cào phím” nảy lửa xung quanh vấn đề thuần Việt hay không thuần Việt này.

Câu hỏi đặt ra bây giờ lại là:

3. Tác phẩm như thế nào thì được coi là thuần Việt?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy lần tìm về lịch sử văn học nước nhà. Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những tác phẩm văn học Việt Nam được coi là mẫu mực về tính thuần Việt mà tất cả mọi người đều công nhận cho đến nay chính là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Như nhận định của PGS-TS Lê Thị Bích Hồng: “Truyện Kiều sử dụng trên 70% từ thuần Việt, sáng tạo từ mới… Nguyễn Du sử dụng nhiều chất liệu của ca dao, tục ngữ và cũng từ Truyện Kiều, nhân dân ta có thêm nhiều thành ngữ mới trong đời sống hàng ngày.”

REVIEW THIÊN TÀI ĐỆ NHẤT - Truyện Đam Mỹ Ngôn Tình Ngọt Ngào Hài Hước Nhất 2022-2023

Dẫn chứng một tác phẩm văn học kinh điển ở đây không phải là để so sánh với các tác phẩm văn học mạng, vì chúng không cùng hệ quy chiếu. Tuy nhiên, từ ý kiến của PGS-TS Lê Thị Bích Hồng về cách sử dụng ngôn từ, chất liệu thuần Việt; chúng ta có thể nhìn rộng ra rằng, truyện thuần Việt phải là truyện mà khi đọc lên, độc giả sẽ cảm được không khí và màu sắc Việt Nam chứ không nghi ngờ hay hoang mang rằng câu này, từ này lai căng của nước nào, ngôn ngữ nào,…

Vậy vì sao lại xảy ra tình trạng này?

4. Nguyên nhân dẫn đến tranh cãi về tính thuần Việt trong các tác phẩm văn học mạng?

- Tác giả không tham khảo mà chỉ sao chép rập khuôn

Người ta nói nghệ thuật là không biên giới, sáng tác văn học cũng được coi là một công việc sáng tạo nghệ thuật, vì thế, chúng ta cần học hỏi lẫn nhau, quan trọng là tác phẩm của mình phải mang dấu ấn và màu sắc của riêng mình. Theo đó, sẽ không ai phản đối tác giả tham khảo cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm của nhiều quốc gia, vùng ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, tham khảo có chọn lọc và sao chép rập khuôn là hai phạm trù khác nhau, nhưng dường như không phải tác giả nào cũng phân biệt được.

Và theo dòng chảy của thời đại 4.0, cùng với áp lực thời gian, không ít tác giả đã bỏ qua việc tham khảo mà chỉ chuyên tâm bắt chước, thậm chí là sao chép nguyên cách dùng từ ngữ, bối cảnh, tên nhân vật,… của “người ta” để có thể hoàn thành “chương truyện” kịp deadline. Nếu may mắn, “đứa con” ấy vượt qua vòng kiểm duyệt và tác giả được nhận thù lao, nếu không may, độc giả phát hiện và mang “bằng chứng” lên khắp các group cộng đồng rằng tác giả này dùng quá nhiều từ Hán-Việt, quá lậm Trung Quốc, hay quá Tây, hoặc y như văn phong của “tác giả ABC” nổi tiếng nào đó… Vậy là tranh cãi nổ ra.

- Ranh giới giữa thuần Việt và Hán-Việt rất mơ hồ

Một trong những vấn đề chính khiến bộ truyện nào đó thiếu tính thuần Việt là tác giả đó sử dụng quá nhiều từ ngữ Hán-Việt. Có nhiều nguyên nhân khách quan lý giải cho tình trạng này. Nổi trội nhất là vì trong vốn từ tiếng Việt của chúng ta, từ Hán-Việt chiếm tỉ lệ cao, đến 70%.

Theo tài liệu nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Giáp phát hành năm 2015: "Các khái niệm cần lưu ý khi định nghĩa từ thuần Việt đó là từ gốc, từ mượn, từ ngoại lai và từ ngoại. Bởi lẽ trong quá trình phân biệt “từ thuần Việt” và “từ Hán Việt”, nhiều người vẫn tự phân chia hai bên đối lập giữa một bên là từ ngoại lai và một bên là từ bản ngữ. Nếu xét trên khía cạnh hình thành và phát triển theo sự vận động ngôn ngữ, từ thuần Việt sẽ tập hợp các từ có nguồn gốc Nam Á, Tày Thái, Nam Đảo, Hán (khoảng hơn 1000 từ) đã có mặt khi tiếng Việt hình thành."

Từ những lý giải này, sẽ không quá ngạc nhiên khi nhiều cây bút trẻ quá lậm Hán-Việt, bởi họ vốn cũng xuất thân là những độc giả chuyên đọc truyện Trung Quốc trên mạng. Qua nhiều năm đọc như vậy, họ đã xem nhiều từ Hán-Việt là thuần Việt, hoặc bị lẫn lộn giữa hai nhóm từ. Vì thế, khi viết truyện, họ cũng sẽ sử dụng chúng như một lẽ tự nhiên, như cách họ đọc và thỉnh thoảng sử dụng trong văn nói hàng ngày.  

Hệ lụy là họ không nhận ra truyện của mình đậm Hán-Việt cỡ nào, nên khi có ai đó chỉ ra vấn đề này, thì tranh cãi cũng xảy ra. Nó như một điều tất yếu giữa hai phe, ủng hộ và không ủng hộ.

Top 10 Truyện Sáng Tác Việt Hay Nhất Năm 2021

5. Bao giờ cho đến hồi kết?

Không ai có thể trả lời câu hỏi này, nhưng để giảm thiểu sự tranh cãi về truyện thuần Việt hay không thì mọi người, từ tác giả cho đến độc giả đều phải nhìn nhận khách quan và công tâm hơn đối với tính thuần Việt của một tác phẩm văn học phát hành trực tuyến.

Đây là thế giới mạng, là sân chơi của những cây bút nghiệp dư, đến với nghiệp viết chỉ bằng đam mê. Vì vậy, việc đòi hỏi họ sáng tác như một nhà văn chuyên nghiệp, biết phân biệt rõ ràng về tính thuần Việt hay không thuần Việt thì quả là không công bằng cho họ.

Việc  tham khảo các yếu tố ngoại lai là cần thiết, nhưng mong là các tác giả mạng hãy chú ý chọn lọc từ ngữ, và khi đem “những gì không phải của nước mình” vào tác phẩm Việt thì phải cân nhắc kĩ càng để các tác phẩm mình viết ra sẽ tạo ra không khí và màu sắc Việt. Hay ít ra, khi đọc lên, độc giả cũng sẽ cảm nhận được “chất Việt” trong tác phẩm chứ không nghi ngờ, hoang mang rằng nó lai căng của nước nào, ngôn ngữ nào.

Một tín hiệu vui là trong những năm gần đây, một vài nền tảng xuất bản trực tuyến đều có sự đồng hành của đội ngũ biên tập viên, vì vậy khi chọn đăng trên những nền tảng này, các tác giả cũng sẽ được các biên tập viên ở đây nhắc nhở, chỉnh sửa nhằm hạn chế lỗi "ngoại lai" đến mức thấp nhất cho những “đứa con” của mình.

Vì thế, hi vọng trong tương lai gần, các tác giả mạng sẽ có sự hoàn thiện hơn khi cho ra đời các tác phẩm thuần Việt để góp phần giảm bớt sự tranh cãi liên quan đến vấn đề này.