"Truyện Kiều" không chỉ là sáng tác bất hủ đại diện cho nền văn học Trung Đại Việt Nam, mà những nhân vật trong đó còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca nhạc họa xuyên suốt chiều dài lịch sử. Khởi đầu từ trang thơ, những nhân vật trong "Truyện Kiều" dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Theo thời gian, những nhân vật ấy càng được soi tỏ dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Trong số đó, có một nhân vật đã gây nên biết bao cuộc tranh cãi trái chiều trên khắp các diễn đàn thảo luận văn chương: Hoạn Thư.
VẺ ĐẸP CỦA MỘT TIỂU THƯ KHUÊ CÁT
Khi nói đến Hoạn Thư, hầu hết ý kiến đều cho rằng đây là một nhân vật điển hình cho sự thâm độc và đáo để, đặc biệt nổi tiếng với những màn đánh ghen có một không hai. Nhưng vượt lên trên định kiến thông thường, có thể nói Hoạn Thư có đầy đủ phẩm chất của một người phụ nữ cá tính vô cùng mạnh mẽ trong một xã hội xưa cũ vốn bất công với phụ nữ.
Đọc thêm: Truyện Cổ Tích "TẤM CÁM": Nhân vật mẹ Cám dưới góc nhìn GenZ
Trong "Truyện Kiều", nhân vật Hoạn Thư được đề cập lần đầu tiên ở câu thơ thứ 1529 và 1530:
Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
Con quan Lại bộ tên là Hoạn thư.
Qua ngòi bút sáng tác tài tình của cụ Nguyễn Du, Hoạn Thư hiện lên như một người phụ nữ nhan sắc sảo, trí tuệ hơn người. Có thể thấy rõ điều đó qua hai câu thơ dưới đây:
Ở, ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Sinh ra trong một gia đình quyền thế, "danh gia vọng tộc", nàng hẳn nhiên được thừa hưởng một nền giáo dục hoàn chỉnh nhưng cũng đầy rẫy những khuôn mẫu và lễ nghi. Nhờ mối lương duyên tình cờ, nàng được gả cho Thư Sinh:
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Thúc Sinh vốn sinh sống ở huyện Vô Tích (Thường Châu, Giang Tô), theo cha đến mở hàng buôn bán ở huyện Lâm Tri (Thanh Châu, Sơn Đông). Dựa trên tiêu chí xưa, cuộc hôn nhân giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư hóa ra lại chẳng hề "môn đăng hộ đối" như độc giả vẫn tưởng, vì Thúc Sinh chỉ có thân phận học trò, có bố làm một phường buôn bán, dĩ nhiên sẽ không thể so sánh với gia thế làm quan hiển hách đằng vợ. Rõ ràng trong cuộc hôn nhân này, phần “hời” đã thuộc về chàng Thúc Sinh.
Nhưng có một cô vợ thuộc dòng dõi quý tộc cũng chẳng đủ để giữ chân người chồng thư sinh quen thói đàn đúm háo sắc. Qua những cuộc ăn chơi, Thúc Sinh đã nảy sinh lòng mến mộ trước tiếng tăm Thúy Kiều ở lầu xanh. Chàng không tiếc tiền đến đây "trăm nghìn đổ một trận cười như không" và "sớm đào tối mận lân la" nhằm chinh phục người đẹp. Ban đầu, chàng đến với nàng chung quy cũng chỉ vì thói trăng hoa chơi bời. Nhưng dần dà, qua những buổi tiệc rượu, xướng ca họa thơ, gảy đàn, chơi cờ cùng nhau,... hai người càng ngày càng tâm đầu ý hợp, để rồi Thúc Sinh quyết định tính kế lừa Tú bà và chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh. Từ đây, hai người chính thức chung sống như một đôi vợ chồng, đánh dấu cột mốc Thúy Kiều với thân phận vợ thứ nhà quan.
BỊ LÊN ÁN VÌ BẢO VỆ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH KHỎI "NGƯỜI THỨ BA"?
Chúng ta đều biết câu chuyện tiếp diễn ra sao sau khi Hoạn Thư phát hiện về mối quan hệ bất chính giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều: nàng sai bọn gia nhân Khuyển, Ưng bắt cóc Kiều, biến Kiều thành con ở trong nhà. Sau khi Thúc Sinh thăm cha trở về, nàng cho mở tiệc mừng chồng, rồi bắt Kiều túc trực bên cạnh hầu rượu, đánh đàn mua vui, lại tỏ ra không hề hay biết gì về mối quan hệ của bọn họ. Chắc chắn một số người sẽ lên án hành động này của Hoạn Thư là vô nhân đạo, nhưng có lẽ nhiều người khác sẽ cảm thông cho nàng: rõ ràng là thân phận “cành vàng lá ngọc”, toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, ấy thế mà lại bị rơi vào tình cảnh phải chia sẻ tấm chồng, năm lần bảy lượt đối diện với "tiểu tam” rắp tâm phá hoại hạnh phúc gia đình mình. Thử hỏi có bao nhiêu người đủ bình tĩnh để vừa nghĩ kế dằn mặt tình nhân, đồng thời dạy dỗ đức chồng một bài học đắt giá như nàng?
Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Trót đà gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.
Câu thơ của Nguyễn Du hay là thế nhưng với người trong cuộc thì mỉa mai đến xé lòng. Đành rằng cảnh "tam thê tứ thiếp" vốn là một điều quá đỗi bình thường trong xã hội phong kiến Việt Nam, nhưng thực sự được mấy bà vợ cả cảm thấy dễ chịu vì điều đó? Tuy nhiên ngay từ ban đầu, người đọc có thể thấy ngay Hoạn Thư cũng không có ý làm to chuyện ngoại tình của chồng. Nàng ý thức rất rõ về vị thế và lòng bao dung của một bậc bề trên, và cho rằng ghen tuông ầm ĩ là một điều không khôn ngoan chút nào:
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
Lại còn bưng bít giấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
Đọc thêm: Review Truyện Sáng Tác Việt ÁI ĐỘC - Tiểu Thuyết Cung Đấu Ngôn Tình Việt Nam
Theo thói đời thông thường, khi biết chồng có tình nhân bên ngoài, người vợ sẽ vừa thóa mạ, đánh ghen tình địch, vừa nhiếc móc, đay nghiến chồng một cách thậm tệ. Nhưng Hoạn Thư không như thế - nàng đánh ghen "có chiến thuật" hơn, vừa kín đáo nhưng cũng rất tài tình. Những phương thức xử lý khéo léo của nàng, trong tình cảnh bị phụ bạc mà vẫn có thể vững tay xử trí, thực khiến người ta vừa bất ngờ vừa nể phục.
Không để lộ chuyện xấu trong nhà với dư luận:
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
Lên tiếng bảo vệ và giữ gìn thanh danh cho chồng:
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
Chồng tao nào phải như ai,
Điều này hẳn miệng những người thị phi!
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng.
Nào ai còn dám nói năng một lời!
Trong cơn ghen bốc đồng, vẫn đánh giá cao nhan sắc cùng tài đức của Thúy Kiều:
Ví chăng có số giàu sang,
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!
Bể trần chìm nổi thuyền quyên,
Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời!
Thậm chí còn ngợi khen những bản kinh mà Thúy Kiều ghi chép ở Quan Âm Các ngay trước mặt Thúc Sinh...
Khen rằng: "Bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp Lan đình nào thua.
Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.
Về sau, Thúy Kiều nhờ Từ Hải mở phiên tòa báo ân báo oán, mà Hoạn Thư là một trong những "tội nhân" đầu tiên được nêu tên. Thế nhưng cũng chính ở phiên tòa đó, Thúy Kiều đã chấp nhận những lý lẽ giải trình của Hoạn Thư và đồng ý tha bổng cho nàng. Công lý và lẽ phải đã đứng về phía Hoạn Thư, một nạn nhân của chế độ đa thê hà khắc.
Đọc thêm: Cảm Nhận Truyện Sáng Tác Việt “Vạn Xuân” - Con Người Tính Toán Vẫn Không Bằng Mệnh Trời
Tương tự như Thúy Kiều, Hoạn Thư cũng xinh đẹp, sắc sảo, chỉn chu về nhân phẩm lẫn đạo đức. Nhưng hơn hẳn nàng Kiều, Hoạn Thư còn có cái đầu lạnh và một trái tim ấm nóng, hài hòa giữa lý trí và tình cảm. Nàng biết cách làm chủ hoàn cảnh, không để cảm xúc chi phối bản thân. Rõ ràng, miệng lưỡi thế gian đã quá bênh vực Thúy Kiều mà nảy sinh thành kiến, bất công đối với Hoạn Thư.