Ở kỳ trước, chúng ta đã có cái nhìn cơ bản nhất về việc sử dụng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai khi viết truyện. Ở kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ngôi thứ ba, vốn là ngôi kể được giới sáng tác xem là dễ viết và dễ chinh phục độc giả hơn cả. Vì sao lại có nhận định này?
Vấn đề ngôi kể khi sáng tác truyện (Kỳ 1)
3. Ngôi thứ ba
Người kể tự giấu mình đi, gọi các nhân vật bằng chính tên của họ, gọi các sự vật bằng chính tên của chúng; người kể là người “ngoài cuộc”. Các đại từ dùng cho ngôi kể thứ ba gồm anh ấy, cô ấy, nó, họ; không sử dụng các đại từ nhân xưng như “tôi” hoặc “bạn”. Chọn ngôi kể thứ ba giúp cho các sự việc hay nhân vật trong truyện được đánh giá một cách khách quan, tự nhiên hơn bởi người kể có thể linh hoạt, tự do khi truyền tải những gì diễn ra trong truyện.
Hình thức kể bằng ngôi thứ ba khá phổ biến hiện nay và thường được khuyến khích sử dụng trong văn kể chuyện. Ưu điểm của cách kể này là tác giả coi như không có mặt nhưng vẫn có được cái nhìn thông thái, thấu suốt mọi vấn đề của tác phẩm để có thể kể lại các diễn biến theo cách khách quan nhất.
Đôi khi, người kể mượn điểm nhìn của nhân vật để kể lại các sự việc. Lúc này, người kể không những có thể hòa mình vào nhân vật mà còn được sống và cảm nhận những suy nghĩ hay trải nghiệm của nhân vật. Cũng có trường hợp điểm nhìn của người kể thay đổi, dịch chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác, và vì vậy nên cách đánh giá các sự vật, hiện tượng xảy ra trong câu chuyện cũng sẽ thay đổi theo. Điều này tạo ra những góc nhìn đa chiều hơn cho người đọc khi đánh giá hay cảm nhận tác phẩm.
Ở góc nhìn chuyên sâu hơn, với ngôi kể thứ ba, tác giả đóng vai trò trung gian giữa nhân vật và người đọc. Theo các chuyên gia: “Ngôi thứ ba cho phép các mức độ khác nhau của ‘khoảng cách tường thuật’. Các mức độ khoảng cách tường thuật này làm phát sinh các cách phân loại khác nhau về ngôi thứ ba, cụ thể là giới hạn và toàn tri”.
Fatanguyenblog cho rằng: “Với ngôi thứ ba giới hạn, người đọc nhìn nhận thế giới qua đôi mắt của một nhân vật xuyên suốt câu chuyện. Quan điểm về thế giới trong truyện được trình bày trên quan điểm của nhân vật đó… Còn viết kiểu toàn tri là cách viết thể hiện sự hiểu biết toàn bộ những gì liên quan câu chuyện đang được kể (như Chúa trời). Tuy nhiên người viết phải tiết lộ thông tin một cách lịch thiệp, không ngang nhiên nhảy vào đầu các nhân vật. Sự toàn tri nói cho cùng cũng chỉ là một quan điểm của chính tác giả gán lên câu chuyện. Tác giả được phép nhảy qua lại đầu của nhiều nhân vật, nhưng bắt buộc phải có sự chuyển đổi hợp lý…”
Nhiều tác giả đánh giá rằng viết truyện theo ngôi thứ ba thì dễ hơn hai ngôi kể kia, xét về khía cạnh khách quan thì ngôi kể thứ ba cũng dễ đi vào lòng độc giả hơn. Ngoài việc có thể nắm bắt được câu chuyện rõ hơn, dễ dàng chuyển cảnh thì người viết cùng trở nên chủ động hơn trong việc cho nhân vật xuất hiện, viết ra suy nghĩ trong đầu nhân vật hay thể hiện rõ việc nhìn thấu tâm can nhân vật mà không khiến người đọc khó chịu bởi tính khách quan của ngôi kể này. Vì vậy, nếu viết vì mục đích học thuật và chuyên môn, cần màu sắc trang trọng và tăng độ tin cậy cho tác phẩm thì sử dụng ngôi thứ ba là tốt nhất.
Tuy nói ngôi thứ ba dễ sử dụng nhưng thực chất, nó chỉ dễ hơn so với hai ngôi kể kia mà thôi. Xét một cách công bằng, bạn phải là tay viết cứng mới có thể thành thạo trong việc điều chỉnh các góc nhìn của người kể sao cho thật khéo léo. Nghĩa là người viết phải tính toán thật kỹ về thời điểm chuyển cảnh, chia đất diễn cho các nhân vật, rồi mô tả các sắc thái nội tâm nhân vật ở mức độ nào để không tiết lộ những thứ không cần thiết với độc giả,… Việc cố gắng cân bằng các yếu tố như vậy trong quá trình sáng tác không hề đơn giản, cho nên giới tác giả coi chúng là những nhược điểm của ngôi kể thứ ba cũng là điều dễ hiểu.
4. Đổi ngôi kể
Như những gì đã phân tích, mỗi ngôi kể đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, vì vậy tác giả khi viết truyện cần sáng suốt và tỉnh táo khi lựa chọn ngôi kể. Nhiều người thắc mắc rằng chúng ta có nên thay đổi ngôi kể trong một tác phẩm? Tất nhiên, câu trả lời là có, chỉ là bạn thay đổi như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất cho tác phẩm của bạn mà thôi.
Việc chuyển đổi ngôi kể không chỉ tùy thuộc vào mức độ, tần số mà còn dựa vào khả năng dự liệu của tác giả trong quá trình viết nữa. Nếu làm không khéo, tác giả có thể sẽ khiến mạch truyện bị rối, bị trùng lắp hoặc bị đứt đoạn; độc giả thì khó theo dõi hay nắm bắt trở lại, dần dần họ mất hứng thú và buộc phải drop truyện một cách đáng tiếc.
Giải pháp nào cho vấn đề reup truyện trái phép?
III. Kết
Nói chung, có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc tại sao dùng ngôi kể này thì hợp lý và hiệu quả hơn dùng ngôi kể kia. Về phía độc giả, nhiều bạn còn có nguyên tắc không bao giờ đọc truyện sử dụng ngôi kể thứ nhất. Trong khi đó, về phía tác giả, nhiều bạn vì chiều theo độc giả trung thành nên đã luôn chọn “ngôi kể quen thuộc hoặc sở trường” cho các tác phẩm của mình mà ít chịu thay đổi vì cho rằng nó quá mạo hiểm.
Tuy nhiên, dù bạn là người viết lâu năm hay mới chân ướt chân ráo đến với nghiệp viết thì việc thử sử dụng ngôi kể nào đó mình chưa từng sử dụng cũng là điều nên làm. Như bao vấn đề khác trong cuộc sống, thất bại thì bạn sẽ rút ra bài học cho bản thân, còn thành công thì có phải là bạn đã nhận được một phần thưởng xứng đáng cho sự can đảm này không? Và dù thành công hay không thì bạn cũng sẽ biết được khả năng của bản thân trên con đường viết lách nhọc nhằn nhưng rất ý nghĩa này rồi!
Đừng quên LIKE và FOLLOW Fanpage Vietnovel Origin và Nhóm tác giả Tinh Hội để cập nhập thông tin về việc viết lách và sáng tác các bạn nhé!1.