TÓM TẮT TRUYỆN SÁNG TÁC VIỆT [DÃ SỬ VIỆT NAM] HẸN EM NÓI CHUYỆN TRĂM NĂM
Truyện bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ giữa nhân vật chính Yên Hà và môn khách Trương Thăng Phủ trong một buổi chiều hoàng hôn.
Thời gian đó thiên hạ vẫn luôn truyền tai nhau câu chuyện về một người con gái xinh đẹp đức hạnh nắm trong tay pháp thuật cao siêu có thể rẽ núi ngăn sông. Vì ngày ngày chứng kiến nhân dân sống trong cơ cực, lầm than nên nàng đã không tiếc sức mình giúp người dân chữa bệnh, diệt trừ yêu ma quỷ quái hoặc đơn thương độc mã đi khắp nơi phá giải những trận pháp cổ xưa mà giặc phương Bắc để lại. Bởi nhờ thế mà đất nước mới luôn đẩy lùi được giặc ngoại xâm và có được mấy trăm năm thái bình.
Trương Thăng Phủ lần đầu tiên ấn tượng nhất là khi nhìn vào đôi mắt bình lặng và xa xăm của Yên Hà trong lúc cô rót trà ra chén một cách vô cùng suôn sẻ. Rõ ràng đôi mắt ấy còn chẳng thể đặt vào điểm nào rõ ràng nhưng chúng vẫn không hề vô cảm, thậm chí còn đặc biệt có thần.
Ngược lại về phía Yên Hà, ai cũng biết, từ lúc Trương Thăng Phủ tới Vạn Kiếp làm môn khách tại tư dinh của Hưng Đạo Vương thì chưa từng ra ngoài. Ngay cả người đồng học cũ hồi ở kinh thành tới thăm, y cũng tránh né không ra gặp. Chưa kể đối phương hình như còn là người tông nho bài xích thánh thần. Vậy mà khi nghe xong những lời dân gian lưu truyền về cô thì lại tìm tới đây.
Thật ra biết về những lời đồn kia cũng từng có chút đặc sắc nhưng suy cho cùng nó chẳng khác gì mấy câu chuyện cổ tích người ta hay bịa ra để kể cho trẻ con trước khi đi ngủ. Phải đến lúc được chính miệng Hưng Đạo Vương xác nhận thì Trương Thăng Phủ mới hiểu đó không chỉ là truyền thuyết. Nhất là khi người con gái ấy bây giờ đang ngồi đối diện y.
Nhưng Yên Hà không hề trách cứ suy nghĩ của đối phương vì chính cô khi biết được cũng cảm thấy bản thân mình đã bị người đời tô vẽ quá nhiều. Nhớ dạo trước thấy người ta đang kể chuyện tiên nữ đánh Xà Tinh nghe rất kịch tính, Yên Hà đã cố tình hóng hớt một chút, vậy mà mãi cho đến lúc sau mới biết người ta đang nói tới mình. Bởi trong số mấy lời đồn ấy chỉ có vài phần là thật, vài phần là giả, sợ rằng ai mà gặp cô là chỉ có bàng hoàng và vỡ mộng.
Rốt cuộc Hưng Đạo Vương từng nói cô thấu suốt gần như mọi chuyện, có thể thấy kết cục của tất cả nhưng lại không thấy kết cục của chính mình. Yên Hà chia sẻ cô có được sức mạnh này là nhờ vào linh khí của dân tộc và đất nước. Vậy nên nhân dân là điều duy nhất lòng cô tâm niệm. Đại Việt còn thì cô còn, mà dù cô mất cũng phải giữ cho Đại Việt còn, đó là sứ mệnh lớn nhất và duy nhất của đời cô.
Lại nói, con người vẫn thường mơ về một cuộc đời trường sinh bất tử, có phép thuật thần thông. Nhưng nếu đã sống quá lâu, biết quá nhiều thì chắc chắn phải có một sự đánh đổi tương xứng. Và cái giá dành cho kẻ có sinh mệnh như cô chính là sự cô độc. Không một ai có thể sống đủ lâu để ghi nhớ câu chuyện thật sự về cuộc đời cô. Vậy nên Yên Hà đã luôn ở một mình trong suốt từng ấy năm, sống những ngày lang thang như con thuyền chỉ biết trôi mà không thể tấp vào bến.
Nhưng hơn 20 năm trước, Hưng Đạo Vương ở Vạn Kiếp này đã xây cho cô một căn nhà nhỏ, và từ đó cô bỗng dưng có một chốn để về, là nơi để nhớ đến bằng tâm trạng của một người đi xa hướng về gia đình.
Yên Hà biết rất nhiều chuyện, nhưng cô không thể tiết lộ thiên cơ cho bất kỳ ai, vì cô vẫn muốn sống để phụng sự cho đất nước. Những sự kiện quan trọng làm thay đổi cả cục diện lịch sử là thứ tối kị không được phép tiết lộ, càng không được phép can thiệp vào. Nếu trái lời thì đến mảnh xác để mà mai táng cũng chẳng có. Vậy nên, đôi khi kể cả có những triều đại do cô âm thầm đứng sau chỉ đường gây dựng nên và cũng chính cô từng bước giúp nó sụp đổ, thì tất cả đều vẫn đúng với những gì thiên mệnh đã định sẵn.
Sau đó trong lúc trò chuyện, Trương Thăng Phủ bỗng phát hiện ra một chiếc áo được đặt trong chiếc hộp gỗ vốn đang hé mở. Đó là một chiếc áo hết sức độc đáo, phần cổ được trang trí bằng hàng trăm hạt đá đầy màu sắc kết lại với nhau. Tuy cái áo đã cũ, vài ba chỗ còn có vết xém đen lại vì lửa nhưng vẫn được cất giữ một cách vô cùng trân trọng. Vốn Yên Hà đã muốn xé tan vật dụng ấy từ rất lâu rồi, vì mỗi khi cầm nó trên tay bên tai cô lại vang lên những tiếng thét gào tan nát cõi lòng. Nhưng tấm áo ấy lại chính là tất cả những gì còn sót lại của cố hương, khiến cho dù những kí ức kia có buồn đau đến đâu thì cô cũng không muốn bỏ chúng đi.
Khi biết được điều này Trương Thăng Phủ mới thật sự để ý tới chất liệu được làm bằng lông ngỗng của tấm áo ấy. Y thất thần ngẩng đầu chăm chú quan sát người con gái đang ngồi đối diện.
Review Truyện Sáng Tác Việt: CÓ PHẢI EM LÀ MÙA THU HÀ NỘI - Bản Tình Ca Giữa Lòng Thủ Đô
Và rồi y nhận ra, vậy là nàng công chúa năm đó đã thật sự trở về, đem theo cả nỗi nhục mất nước để chuộc lại mọi lỗi lầm…
Cuối cùng thì những ký ức đã vùi sâu trong quá khứ của Yên Hà là gì? Thân phận thật sự của cô là ai? Liệu câu chuyện sẽ còn tiến triển như thế nào? Những câu hỏi này đành phải để độc giả tự khám phá và cảm nhận rồi.
KẾT
“[Dã Sử Việt Nam] Hẹn Em Nói Chuyện Trăm Năm” là tiểu thuyết viết bởi tác giả Nam Thiên Thần Khúc với độ dài 11 chương và vẫn đang được đăng tải đều đặn trên Vietnovel Origin - một nền tảng đọc và sáng tác Việt. Những độc giả nếu yêu thích thể loại huyền huyễn có yếu tố lịch sử, với nhân vật chính là nữ cường thì đây chắc chắn sẽ là tác phẩm thích hợp dành cho bạn.
Đừng quên LIKE và FOLLOW Fanpage Vietnovel Origin và Nhóm tác giả Tinh Hội để cập nhập thông tin về việc viết lách và sáng tác các bạn nhé!