Đây là hai phần vô cùng quan trọng trong các bước sáng tác ra một bộ truyện hay. Mời các bạn tiếp tục theo dõi Phần 2 của bài hướng dẫn.

7. Xây dựng nhân vật:

- Tiểu thuyết của bạn không nhất thiết chỉ có 1 nhân vật chính, bạn có thể tạo ra nhiều nhân vật và tác động lẫn nhau một cách hài hòa, thậm chí bạn có thể kể câu chuyện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên một bộ truyện không nên có nhiều hơn 2 nhân vật chính trừ phi bạn là một tác giả viết chắc tay và nhiều kinh nghiệm.

- Hãy xây dựng tính cách nhân vật chính một cách tỉ mỉ, cặn kẽ và nhất quán, xem nhân vật chính của mình như một con người thật sự và suy đoán phản ứng, hành động của họ trong từng hoàn cảnh sao cho thật tự nhiên và hợp lý; hoặc nếu nhân vật chính có thay đổi tính cách thì bạn cần tạo ra những nguyên nhân phù hợp.

- Nhân vật chính không bắt buộc phải đáng yêu hay lương thiện, nhưng nhất định phải đặc sắc và có sức thu hút.

- Thế giới của bạn cần có nhiều nhân vật phụ. Hãy tưởng tượng ra những nhân vật sẽ tương tác với nhân vật chính, đóng vai trò như người yêu, bạn bè, kẻ thù, người thân,… để làm nền cho nhân vật chính. Các nhân vật phụ có tính cách thú vị và độc đáo sẽ khiến câu chuyện lôi cuốn hơn rất nhiều.

- Bạn không cần phải biết chính xác tất cả những nhân vật sẽ hiện diện trong tiểu thuyết của mình trước khi đặt bút viết. Trong quá trình viết truyện, biết đâu bạn lại nhận ra rằng nhân vật chính thực sự hóa ra lại là một trong những nhân vật phụ mà bạn đã tạo ra, hoặc có thể các nhân vật chính khác sẽ âm thầm xuất hiện vào những lúc mà bạn không ngờ đến.

8. Xây dựng tình tiết cốt truyện:

- Bước này sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của bộ truyện. Có nhiều truyện xây dựng nhân vật rất tốt nhưng cốt truyện lại không hay. Nếu bạn không làm tốt điều này, khán giả sẽ quay lưng với truyện của bạn.

- Cấu trúc của truyện thường bao gồm năm phần:

  • Giới thiệu: cuộc sống bình thường của nhân vật dẫn đến “biến cố khởi đầu” thúc đẩy họ bước vào xung đột.
  • Xung đột dâng cao: các xung đột, đấu tranh và các cạm bẫy mà nhân vật phải đối mặt trên hành trình vươn tới các mục tiêu. Trong cấu trúc ba cảnh, cảnh thứ hai thường là phần phong phú nhất của truyện.
  • Cao trào: phần quan trọng nhất! Đây là điểm mà mọi thứ dường như có thể hoặc không thể xảy ra, và nhân vật phải quyết định hành động ra sao để chiến thắng hoặc chấp nhận thua trong danh dự. Bước ngoặt của truyện xuất hiện khi xung đột lên đến đỉnh điểm.
  • Xung đột giảm dần: các sự việc được diễn giải sau cao trào, nhân vật thắng hay thua, mọi đầu mối rời rạc được kết nối lại, kết quả dẫn đến…
  • Đoạn kết: trở lại một cuộc sống bình thường với sự cân bằng mới nhưng khác biệt (hoặc có thể không quá khác biệt) so với “cuộc sống bình thường” ở phần giới thiệu của nhân vật.

- Sắp xếp các ý tưởng, lập các mốc thời gian để bạn có thể dựa vào đó mà quyết định điều gì sẽ xảy ra vào khi nào.

- Tạo ra xung đột là cách phổ biến nhất để sáng tác cốt truyện. Những tình huống đặt ra cho nhân vật càng độc đáo, càng quái chiêu, càng có tính thử thách thì hình ảnh nhân vật sẽ càng được khắc sâu.

- Nhân vật của bạn phải trưởng thành hơn qua từng chương truyện. Tức là so với phần mở đầu thì tại phần kết của truyện, nhân vật phải thay đổi về tư tưởng, quan niệm hay một giá trị nào đó. Nếu nhân vật của bạn chẳng có thay đổi gì thì chứng tỏ câu chuyện của bạn không có tính vận động và thiếu sức sống.

- Hãy bổ sung vốn tính từ của bạn bằng cách đọc nhiều truyện hay.

- Không cần phải tuân theo thứ tự thời gian. Câu chuyện có thể bắt đầu từ hiện tại, lùi về quá khứ và lại quay về hiện tại, hoặc bắt đầu từ quá khứ và nhảy một bước đến hai mươi năm sau.

- Phác thảo tình tiết chính của câu chuyện: có thể theo đường thẳng hoặc vẽ sơ đồ liên kết các nhân vật. Bản phác thảo sẽ là bản hướng dẫn, không phải bản quy ước. Mục đích chính của việc này là để khởi động quá trình viết với sự minh họa đơn giản về diễn tiến của câu chuyện. Chắc chắn nó sẽ thay đổi khi bạn bắt đầu viết.

- Bản phác thảo những nét chính sẽ hữu ích hơn sau khi bạn viết xong vài chương nháp, giúp bạn hiểu rõ về kết cấu câu chuyện đang viết và giúp bạn thấy được những điều phù hợp hoặc không phù hợp, những chỗ nào nên sữa chữa cải thiện.

- Tuy nhiên bạn cũng đừng quá bận tâm về những chi tiết trước khi bắt đầu đặt bút viết bản nháp đầu tiên, vì có thể bạn sẽ bóp nghẹt sự sáng tạo của mình.

(Còn tiếp)