Những lầm tưởng về truyện ngôn tình và sự thật (Kỳ 1)
Khi cần đọc một cái gì đó hợp với tâm trạng của mình ngay khoảnh khắc đó, bằng điện thoại thông minh, có sẵn hoặc ít ra cũng không mất thời gian search đi search lại,… thì truyện ngôn tình luôn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Tuy phổ biến như thế nhưng khi nhắc đến truyện ngôn tình thì không phải ai cũng có một cái nhìn khách quan và đúng đắn về nó, ngược lại, nhiều người còn có những lầm tưởng dở khóc dở cười về dòng truyện này. Những lầm tưởng đó là gì? Có thật như vậy không? Cùng Vietnovel tìm hiểu xem nhé!
1. Sáng tác truyện ngôn tình là công việc dễ dàng
Nhiều người cho rằng công việc sáng tác truyện ngôn tình không có gì khó khăn cả, nhất là khi bạn đã có sẵn một ý tưởng thú vị trong đầu. Một số người khác thì khẳng định bạn không cần phải có năng khiếu bẩm sinh về văn chương, cũng không buộc phải có khả năng viết lách thần sầu, và dù điểm số các bài tập làm văn những năm phổ thông của bạn không có gì nổi trội,… bạn vẫn có thể viết được truyện ngôn tình.
Trong trường hợp bạn e ngại mình thiếu kinh nghiệm viết lách, bạn cũng có thể search Google về cách viết một bộ truyện ngôn tình cho người mới bắt đầu. Đảm bảo những bài hướng dẫn chi tiết liên quan đến cách khơi nguồn cảm hứng, triển khai một ý tưởng, cách xây dựng tuyến nhân vật,… sẽ khiến bạn kinh ngạc và chỉ muốn “nhào vô bàn phím” mà gõ ngay bộ truyện mình đang ấp ủ mà thôi.
Vậy thì có gì “lầm tưởng” ở đây?
Sự thật là:
Đúng là nếu bạn có đam mê sáng tác thì sẽ rất dễ dàng để bạn bắt đầu viết một bộ truyện ngôn tình dù kinh nghiệm viết lách của bạn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Tuy nhiên, chất lượng bộ truyện thế nào? Có độc giả hay không, nếu có thì độc giả đón nhận ra sao? Hoặc bạn có thể hoàn thành nó hay drop vô thời hạn? Đây đều là những vấn đề mà đa số tác giả truyện ngôn tình hiện nay phải đối mặt hằng ngày, thậm chí là hàng giờ (kể từ lúc họ bắt đầu “khai hố”) để có thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng.
Đó là chưa kể, sáng tác là một chuyện, nhưng sáng tác như thế nào để thu hút độc giả và duy trì được phong độ của bản thân nhằm giữ chân độc giả cho đến chương cuối là một chuyện khác. Vậy mới thấy, đâu phải tự nhiên mà bộ truyện này thu về vô số lượt view, độc giả mong ngóng từng chương, trong khi bộ truyện khác thì không ai đọc dù tác giả đã bõ công PR truyện mình viết khắp nơi trên mạng. Và nếu không có bao nhiêu người theo dõi truyện của bạn, liệu bạn có còn động lực để viết các chương tiếp theo hay không?
Đến đây thì bạn có còn thấy sáng tác truyện ngôn tình là một công việc dễ dàng?
Vì sao truyện ngôn tình Việt bị xem là truyện “mì ăn liền”?
2. Cốt truyện của truyện ngôn tình thiếu chiều sâu, độc giả đọc xong sẽ quên ngay
Có một bộ phận không nhỏ trong xã hội ngày nay mà hễ nghe đến truyện ngôn tình là sẽ tỏ thái độ lắc đầu ngao ngán. Họ cho rằng đây là thể loại tạp nham, lai căng và được sáng tác bởi những tác giả non trẻ, kinh nghiệm sống chưa sâu, kĩ năng viết lách cũng chưa nhiều. Vì thế, cốt truyện của đa phần các bộ truyện ngôn tình hiện nay đều thiếu chiều sâu và những thông điệp ý nghĩa cơ bản mà bất kỳ tác phẩm văn học nào cũng cần phải có.
Đây được coi là một trong những lầm tưởng tai hại và thiếu khách quan nhất đối với cộng đồng yêu mến truyện ngôn tình nói chung và những tác giả chuyên viết thể loại truyện này nói riêng.
Sự thật là:
Giống như bao loại hình nghệ thuật khác, nếu có những tác phẩm hay hoặc thành công thì cũng sẽ có những tác phẩm tồi tệ và nhận lấy những thất bại thảm hại. Đối với truyện ngôn tình cũng vậy, nếu dùng cái nhìn khách quan hơn, bạn sẽ thấy bên cạnh những tác phẩm hời hợt thì cũng còn vô vàn những tác phẩm không chỉ lấy nước mắt độc giả bằng những lời thoại cảm động và đầy nhân văn mà còn khiến bao thế hệ người đọc day dứt, trăn trở bởi những nhân vật điển hình gắn liền với những lời thoại ấn tượng, ngay cả khi họ đã đọc chúng từ 10 năm trước.
Tất nhiên, những tác phẩm có dấu ấn riêng sẽ tự khẳng định được chỗ đứng trong lòng độc giả, dù trong “hình hài” nào, từ sách giấy, phim truyền hình cho đến phim điện ảnh. Ngược lại, những tác phẩm thường thường sẽ bị lãng quên nhanh chóng như quy luật đào thải tự nhiên của vũ trụ mà thôi. Đó là chưa kể, có những bộ truyện bạn phải đọc nhiều lần mới có thể hiểu được hết các tầng lớp ý nghĩa sâu xa và cảm nhận được cái hay của chúng. Vậy nên, nếu chưa hiểu hoặc tìm hiểu chưa đủ sâu về thế giới truyện ngôn tình thì đừng vội đánh giá phiến diện và rơi vào lầm tưởng như thế này nhé!
Làm Thế Nào Để Luôn Trong Trạng Thái Hoàn Truyện?
3. Nội dung truyện ngôn tình gây hại cho độc giả tuổi mới lớn
Theo thống kê gần đây thì đối tượng độc giả của truyện ngôn tình đa phần có tuổi đời còn rất trẻ. Có đến một nửa (49,4%) đối với độc giả dưới 15 đến 18 tuổi và 37% độc giả trong độ tuổi 18 - 22 tuổi.
Điều đó cho thấy, học sinh trung học phổ thông đang là đối tượng chính của dòng văn học còn nhiều tranh cãi này. Không thể phủ nhận đây là độ tuổi mà các em bắt đầu tiếp thu, định hình nhận thức cuộc sống, vì vậy, việc các em đọc truyện ngôn tình trên mạng và chưa qua vòng kiểm duyệt nào nghiễm nhiên trở thành vấn đề đáng lo ngại cho nhiều bậc phụ huynh ngày nay.
Và cách phòng ngừa mà nhiều cha mẹ áp dụng là sẽ cấm tuyệt đối con cái mình đọc truyện ngôn tình. Lý do đa số mọi người đưa ra là vì nội dung ẩn chứa nhiều yếu tố “độc hại” đối với nhận thức còn non trẻ của con em mình như nội dung phi lý, có quá nhiều cảnh bạo lực, đánh nhau, trả thù, sinh hoạt tình dục,… Nếu đọc quá nhiều truyện như vậy, nhận thức của “con trẻ” rất dễ bị lệch lạc, ngược với chuẩn mực xã hội.
Sự thật là:
Truyện ngôn tình có nhiều thể loại, mỗi thể loại sẽ có đặc trưng riêng từ văn phong, ngôn ngữ, màu sắc cho đến bối cảnh, nhân vật hay cách viết thoại. Với mỗi một tác phẩm, tác giả đều gắn cảnh báo về độ tuổi nên đọc và không nên đọc. Vì thế, thay vì cấm đoán, phụ huynh có thể khuyên con em chọn đọc loại truyện phù hợp với lứa tuổi của mình như thanh xuân vườn trường, thanh thủy văn. Đa phần nội dung truyện thể loại này đều phản ánh về tuổi học đường, bối cảnh trường học, gia đình với những trăn trở của các nhân vật (là học sinh, sinh viên) về chuyện học hành, thi cử và các mối quan hệ của họ trong cuộc sống.
Đọc những truyện như vậy không chỉ không gây hại gì cho các em ở độ tuổi mới lớn này mà còn giúp các em biết cách rèn luyện bản thân ở nhiều khía cạnh. Trước mắt là khả năng cảm nhận văn chương; sau đó là có thể truyền cảm hứng cho các em về cách vươn lên trong học tập hay thi đấu thể thao; cách kiên trì theo đuổi ước mơ; cách gìn giữ tình yêu hay các mối quan hệ gia đình, bạn bè; cách vượt qua nghịch cảnh và giới hạn bản thân để đạt được thành công… Tất cả đều là những bài học quý giá mà đôi khi các em không thể tìm thấy hoặc không có cơ hội tiếp xúc trong đời sống thực tế.
Còn những lầm tưởng nào khác về truyện ngôn tình? Mời các bạn đón xem Kỳ 2 của chủ đề này ở đây nhé!
Đừng quên LIKE và FOLLOW Fanpage Vietnovel Origin và Nhóm tác giả Tinh Hội để cập nhập thông tin về việc viết lách và sáng tác các bạn nhé!