Truyện Cổ Tích "TẤM CÁM": Nhân vật mẹ Cám dưới góc nhìn GenZ

Từ lâu, "Tấm Cám" đã là một trong những truyện cổ tích gối đầu giường của biết bao thế hệ trẻ em nước ta. Nhắc đến Tấm Cám, người ta liền nhớ hình ảnh cô Tấm hiền hậu, đảm đang đại diện cho người phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, nhân vật mẹ Cám cũng gắn liền với tính cách độc ác, ích kỷ, vì lợi ích mà không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Tuy nhiên trong thời đại Internet bùng nổ, khi mà giới trẻ được tiếp cận với vô số nguồn thông tin đa chiều như hiện nay, liệu cách nhìn nhận trên có còn phù hợp hay không?

BẠN CÓ BAO GIỜ TỰ HỎI: VÌ SAO CÁC NHÂN VẬT PHẢN DIỆN TRONG TRUYỆN LẠI HÀNH ĐỘNG NHƯ VẬY CHƯA?

Có một chân lý chưa bao giờ lỗi thời: mọi thứ xảy ra ở đời, ắt đều phải có nguyên nhân của nó.

Hãy bắt đầu từ thuở ấu thơ, khi mẹ Cám "bắt" Tấm làm việc quần quật trong khi Cám không cần làm gì.

Thứ nhất, bạn có thể bảo đó là một sự thiên vị có tính toán, nhưng từ bao giờ mà người con lớn trong nhà gánh vác những công việc nặng nhọc hơn em mình lại bị coi là thiên vị thế?

Đọc thêm: Đọc Truyện Sáng Tác Việt Nam Hay, Tại Sao Không?

Thứ hai, bạn có thể nói đó là sự độc ác của mẹ kế dành cho người con riêng của chồng, nhưng trên thực tế hành động đấy có thể xuất phát từ tình yêu quá đỗi to lớn của một bà mẹ dành cho con gái mình mà thôi. Với thân phận là vợ thứ, tình cảm ấy vô tình càng mạnh mẽ và có phần trở nên ích kỷ. Quan trọng nhất, người kể chuyện không cho độc giả biết những mối quan hệ trước đó trong gia đình Tấm đã diễn ra như thế nào, cũng như nguồn cơn của hành động đó là gì: mẹ con Cám có được cha mẹ Tấm đối xử tử tế hay không? Liệu họ có từng chịu đựng uất ức nào khi cha mẹ Tấm còn tại thế không? Do đó, nếu chỉ dựa trên góc nhìn của một đứa trẻ (Tấm) mà đánh giá toàn bộ câu truyện thì quả là một sự vội vàng đầy phiến diện.

LỐI MÒN TRONG TƯ DUY SÁNG TÁC TRUYỆN...

Một trong những motip kinh điển rất được các tác giả thời xưa ưa chuộng: tôn vinh nhân vật chính bằng cách khắc họa rõ nét sự tương phản giữa họ với nhân vật phản diện. Cụ thể hơn, gán cái mác "đúng" và "tốt đẹp" lên mọi hành động mà nhân vật chính làm, từ đó khiến người đọc ngầm hiểu rằng chỉ cần một nhân vật cư xử không giống hay trái ngược lại với những hành động đó thì sẽ bị bảo là "sai", "độc ác", và "đáng bị trừng phạt". Đó là cách mà nhiều độc giả sẵn sàng ca ngợi nhân vật Tấm là thánh mẫu thiện lương, trong khi ghét bỏ mẹ con Cám và cho họ là hiện thân của cái Ác. Liệu bạn có đang vô tình tư duy tương tự như thế không?  

Đọc thêm: Những lầm tưởng về truyện ngôn tình và sự thật (Kỳ 1)

Artist: Noh.A

Quay trở lại với câu truyện "Tấm Cám", chúng ta biết được Tấm bị mẹ Cám bắt ở nhà nhặt thóc mà không cho đi trẩy hội. Chúng ta cũng chứng kiến quá trình Tấm được chọn nhà vua chọn làm hoàng hậu thông qua sự giúp đỡ của Bụt. Và dĩ nhiên sau đó, người đọc được một phen thỏa thuê khi mẹ con Cám năm lần bảy lượt bị trừng phạt khi cố gắng đối đầu với cô Tấm, và cuối cùng dẫn đến kết cục là cái chết đầy rùng rợn của hai mẹ con họ.

Artist: Hieu Quoắn

Đầu tiên, chúng ta sẽ không phân tích cái kết truyện vốn gây khá nhiều tranh cãi ấy ở góc độ đạo đức hay văn học thông thường. Khi đọc truyện cổ tích, độc giả cần đặt nó trên bình diện văn hóa, vì ngoài chức năng phản ánh, lý giải các hiện tượng tâm lí xã hội, truyện cổ tích còn chứa đựng những quan niệm của ông cha ta hay lồng ghép các chủ đề khác (phong tục, địa danh,...) thông qua sự hóa thân của nhân vật. Ở đây, hành động của Tấm phù hợp với quy luật chung của thể loại truyện cổ tích bấy giờ và với tư tưởng nhân dân ở thời đại xưa (nên nhớ, truyện cổ tích không phải do các bậc hiền nhân hay nho học viết ra, mà là do nhân dân - những người làm nông với nhận thức vô cùng đơn giản truyền miệng nhau). Vậy nên, nếu bạn có thể chấp nhận, thậm chí hả hê khi Tấm đổ nước sôi giết chết Cám, rồi dùng xác em gái cùng cha khác mẹ làm mắm gửi về cho mẹ kế của mình, vậy thì tại sao với những việc làm trước đó của mẹ Cám, bạn lại bộc lộ sự căm phẫn và cho đó là phi nhân đạo? Chẳng phải bản chất của tất cả hành động trên đều như nhau sao? Hay nói một cách khác, dựa theo bối cảnh ra đời câu truyện cổ tích này, gần như không có gì là dã man, tàn ác trong cách hành xử của Tấm hay của mẹ Cám cả.

Đọc thêm: Review Truyện Việt Tự Sáng Tác: THẾ GIỚI CỔ TÍCH - Thế Giới Của Những Điều Kỳ Diệu

Từ đầu đến cuối, có thể khẳng định người đọc chỉ đang được chứng kiến một màn đấu trí đỉnh cao giữa những người phụ nữ vô cùng thông minh và hoàn toàn trái ngược nhau về tính cách. Nếu một cô Tấm hiền lành luôn biết nhanh trí nhờ cậy đến sự giúp đỡ của ơn trên mỗi khi gặp khó khăn, thì mẹ Cám lại nổi bật với sự lạnh lùng, quyết đoán trước bất kỳ tình huống lạ thường nào phát sinh. Hãy nghĩ đến cái cách bà ấy vẫn giữ được bình tĩnh, không sợ hãi mỗi khi con gái mình chạm trán với những thế lực siêu nhiên kỳ quái (chim vàng anh và khung cửi biết nói, cây xoan đào mọc lên từ đống tro tàn,...) Thật đáng tiếc khi nhân vật này phải ra đi ở cuối truyện, nhưng  âu cũng là cái số của một nhân vật phụ với vai trò làm nền cho nhân vật chính trong một câu truyện cổ tích xa xưa, có lẽ chẳng còn cách nào khác!

Đừng quên LIKE và FOLLOW Fanpage Vietnovel Origin & Nhóm tác giả Tinh Hội để cập nhập thông tin về việc viết lách và sáng tác các bạn nhé!