Vấn đề ngôi kể khi sáng tác truyện (Kỳ 1)

Khi bắt đầu viết một bộ truyện, bạn có do dự trong việc lựa chọn ngôi kể? Bạn nghĩ dùng ngôi kể này thì phù hợp hơn ngôi kể kia? Độc giả ruột vốn đã quen thuộc với ngôi kể này rồi nên nếu mình mạo hiểm đổi qua ngôi kể kia thì họ có drop truyện của mình không? Bên cạnh những phân vân thì không ít tác giả còn phàn nàn tại sao tài liệu hướng dẫn cách lựa chọn ngôi kể hiện nay có vẻ lan man như vậy?

Sau khi tham khảo những bài nghiên cứu đăng trên các diễn đàn văn học hay của các blogger chuyên về viết lách, bài viết này sẽ tổng hợp một vài điểm cơ bản liên quan đến vấn đề ngôi kể khi sáng tác truyện.

Những lầm tưởng về truyện ngôn tình và sự thật (Kỳ 1)

I. Ngôi kể là gì?

Thông thường, khi chúng ta đọc hoặc nghe một câu chuyện, thì đồng nghĩa rằng sẽ có ai đó kể hoặc viết ra nó, dù bằng ngôn ngữ nói hay bằng chữ viết. Vậy nên, vấn đề ai kể chuyện và câu chuyện được kể dưới góc nhìn nào được coi là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công hay thất bại của câu chuyện. Hay nói cách khác, người đọc/người nghe nên được tiếp nhận câu chuyện qua ngôi kể nào thì phù hợp nhất được coi là một trong những vấn đề mấu chốt mà người kể cần cân nhắc cẩn thận khi đưa ra lựa chọn. Vậy ngôi kể là gì?

Ngôi kể hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng khi kể chuyện hoặc khi viết truyện. Ngôi kể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cách thức câu chuyện diễn ra, có tác động trực tiếp đến cảm quan của độc giả đối với toàn bộ câu chuyện.

Có ba loại ngôi kể, bao gồm: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, và ngôi thứ ba. Trong đó, ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba là hai loại ngôi kể chính, được đa số mọi người ưu tiên sử dụng khi viết văn hay kể chuyện trong đời sống hằng ngày. Ngôi thứ hai hiếm gặp hơn nhưng không phải là không được sử dụng. Ở đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng loại ngôi kể này.

II. Các loại ngôi kể

1. Ngôi thứ nhất

Người kể xưng “tôi” và trực tiếp kể ra những gì mình nghe, thấy, trải qua; trực tiếp nói ra cảm tưởng, ý nghĩ và tình cảm của mình. Đây được coi là hình thức độc thoại nội tâm, thường gặp trong văn tự sự, người kể như là người trong cuộc. Và tuy người kể xưng “tôi” trong tác phẩm nhưng không nhất thiết phải là tác giả.

Nhân vật “tôi” có thể là người dẫn dắt từ đầu đến cuối câu chuyện, cũng có thể là một nhân vật trong hệ thống nhân vật tham gia vào các tình huống truyện. Ưu điểm của ngôi kể này là được quyền can thiệp vào câu chuyện dưới nhiều hình thức. Người kể không chỉ miêu tả những gì “tôi thấy” mà còn miêu tả những gì “tôi nghĩ”. Nghĩa là nhân vật “tôi” ấy luôn sống động, và cũng tương đối phức tạp bởi phải linh hoạt miêu tả những gì đang diễn ra trong câu chuyện dựa trên nhận thức xã hội và ý thức về bản thân.

Và dù kể chuyện theo ngôi thứ nhất được xem là làm tăng tính chân thực và sức thuyết phục cho câu chuyện hơn, thì cách kể này cũng vấp phải những hạn chế nhất định. Trước hết là cái nhìn của chủ thể “tôi” khi kể những gì “tôi cảm” đôi khi cũng sẽ chi phối cảm xúc và tư duy của một số độc giả. Một số độc giả khác thì sẽ có cảm giác nghi ngờ bởi câu chuyện được phản ánh một chiều, dễ khiến các sự việc diễn trong truyện trở nên phiến diện, chủ quan bởi nó chỉ được kể dưới một lăng kính duy nhất. Thế nên trong quá trình sáng tác, nếu chọn ngôi kể thứ nhất, người viết cần chú ý cân bằng các yếu tố khách quan và chủ quan dựa theo bối cảnh trong câu chuyện và các chuẩn mực ngoài xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng việc dùng ngôi thứ nhất khi viết truyện thì khó, nhất là đối với những người mới bước vào nghề viết bởi nếu không chắc tay thì dễ bị lặp từ, văn phong lủng củng, kể lòng vòng không có lối ra. Tuy nhiên, đây vẫn là lựa chọn hàng đầu trong việc miêu tả chiều sâu nội tâm nhân vật, những cuộc đấu tranh tâm lý, hay trò chuyện với chính mình của các nhân vật trong truyện.

Theo Fatanguyenblog, nếu viết thể loại truyện trinh thám, hay truyện tình cảm thì ngôi kể thứ nhất là một lựa chọn hiệu quả. Có thể thấy, truyện tình cảm mang đậm tính tự sự thì dùng ngôi kể “tôi” sẽ dễ truyền tải cảm xúc hơn cho người đọc hơn. Trong khi đó, với truyện trinh thám, nếu mọi tình huống hay chứng cứ được suy luận theo góc nhìn của nhân vật “tôi”, độc giả cũng sẽ bị cuốn theo và khó đoán được “trùm cuối” hơn. Nghĩa là tác giả hoàn toàn có thể đánh lừa độc giả thông qua việc đánh lừa nhân vật “tôi” này.

Fanfiction – Sân Chơi Của Những Tác Giả Việt Muốn Thể Hiện Tình Yêu Với Nhân Vật Mình Yêu Thích.

2. Ngôi thứ hai

So với ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai hiếm được sử dụng hơn, nhất là trong các tác phẩm tự sự. Có nhiều ý kiến tranh cãi rằng ngôi thứ hai không tồn tại khi kể chuyện. Tuy nhiên, trên thực tế, trong một số trường hợp thì việc kể chuyện bằng ngôi thứ hai lại tốt hơn hai lựa chọn còn lại. Vậy ngôi thứ hai được kể như thế nào?

Ngôi thứ hai thường đề cập trực tiếp đến người đọc thông qua từ “bạn”. Fatanguyenblog cho rằng trong tiếng Anh, ngôi kể này sẽ được thể hiện rõ hơn. Cụ thể là: “Nếu ngôi thứ nhất người kể là 'I' và 'we', ngôi thứ ba người kể là ‘he, she, it, they,…’ thì ngôi thứ hai vai trò người kể được gán cho ‘you’. Trong tiếng Việt, ‘you’ có thể được dịch ra rất nhiều đại từ nhân xưng khác như: bạn, anh, em, cô, chú, mày...”. Bên cạnh đó, blogger này còn đề cử một ví dụ điển hình cho truyện kể ngôi thứ hai, đó chính là tác phẩm “Ngôi Trường Mọi Khi” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nếu tò mò về ngôi kể thứ hai, bạn có thể tìm đọc cuốn sách để hiểu thêm về cách sử dụng.

Nhìn chung, khi kể chuyện thông qua góc nhìn ở ngôi thứ hai, người đọc sẽ trở thành một nhân vật trong truyện. Nói theo cách khác, với ngôi kể thứ hai, tác giả sẽ mượn góc nhìn của độc giả để kể chuyện. Khi đó, độc giả sẽ tham gia trực tiếp vào câu chuyện, tự quan sát và kể lại câu chuyện.

Về nguyên nhân khiến ngôi thứ hai ít được sử dụng khi viết truyện, Fatanguyenblog lý giải rằng: “Ngôi thứ hai cho người đọc cảm giác bị hướng dẫn. Vì người đọc lúc này chỉ là một nhân vật kể chuyện có vai trò ảo, câu chuyện vẫn được kể bởi chính người viết. Vì vậy ngôi viết này khá khó sử dụng cho các thể loại sách cần truyền tải nhiều cảm xúc.”

Còn ngôi thứ ba thì như thế nào? Mời các bạn đón xem tiếp kỳ 2 dưới đây nhé!

Vấn đề ngôi kể khi sáng tác truyện (Kỳ 2)

Đừng quên LIKE và FOLLOW Fanpage Vietnovel OriginNhóm tác giả Tinh Hội để cập nhập thông tin về việc viết lách và sáng tác các bạn nhé!