Writer's Block là gì, tại sao tác giả cần nhận thức vấn đề này?
Trên thực tế cho thấy, có đến 90% người viết mỗi khi đặt bút một câu chuyện thường là viết theo cảm hứng và cảm xúc, hiếm có tác giả nào viết một cách lý trí, đến đúng giờ là đặt bút và đúng giờ là ngưng công việc viết lách lại.
Vậy Writer's Block hay Write block (WB) là gì?
Writer's block là một khái niệm mô tả về việc bị tạm ngưng hoặc mất ý tưởng sáng tác trong việc viết lách, nó khiến người viết không thể viết ra bất cứ thứ gì cho ra hồn và làm họ rơi vào tình trạng "táo bón" với con chữ. Đây thực sự là một cơn ác mộng đối với bất cứ người viết nào và chẳng ai muốn mình bị write block cả, tuy nhiên ác một nỗi là cơn "táo bón chữ" này cứ như ninja Lead thoắt ẩn thoắt hiện, lúc đến lúc đi làm nhiều tác giả cảm thấy khổ ải vô ngần. Vậy thì làm sao để có thể tránh được tình trạng bị write block để tiếp tục hoàn thành câu chuyện của mình?
Khái niệm Writer's Block được đặt ra và phổ biến bởi nhà phân tâm học người Mỹ Edmund Bergler trong những năm 1940.
Dưới đây là một số kinh nghiệm riêng để các bạn có thể tham khảo.
1. Lựa chọn thời điểm
Phần đa mọi người viết lách sẽ theo cảm hứng nhất thời. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc WB bởi vì sự tùy hứng của tác giả, hứng thú của tác giả đôi khi không đến với một lý do cụ thể, nó có liên hệ mật thiết đến độ căng thẳng thần kinh của từng người: có những bạn khi buồn hoặc thất vọng liền có ý tưởng tuôn ra như suối nhưng đối với một số bạn khác thì ý tưởng và sự siêng năng chỉ đến khi họ cảm thấy thoải mái và vui vẻ.
Bên cạnh đó, thực tế môi trường xung quanh cũng tác động khá nhiều đến việc sáng tác và cảm hứng của người viết. Theo như một số nghiên cứu chỉ ra cho thấy những môi trường kích thích sáng tạo ý tưởng thường có âm thanh hoặc ồn ào hoặc yên tĩnh như quán cà phê, siêu thị, các âm thanh như tiếng nước chảy, tiếng lửa reo tí tách, tiếng người trò chuyện ồn ào, tiếng nhạc vần đều...Vì vậy điều đầu tiên là tác giả nên để ý xem mình thường viết hăng say nhất trong tình trạng nào, ở đâu, vào thời điểm nào.
Ví như mình khi viết hăng say nhất là ở những quán cà phê khi có từ 2-3 người ngồi chung một không gian và trò chuyện, thời điểm viết tốt nhất là vào buổi chiều cho đến tối muộn và luôn có hứng thú nhiều nhất khi ở trong trạng thái thoải mái. Vì vậy có một thời gian mình thường xuyên ghé Familymart lúc... nửa đêm để ngồi viết cho đến sáng vì đó là thời điểm mình cảm thấy hạnh phúc nhất, và điều bất ngờ là trong khoảng thời gian đó, mỗi ngày mình có thể viết từ 2.000 cho tới 10.000 từ. Bất ngờ chưa?
2. Chuẩn bị trước dàn ý, sườn truyện chi tiết và rõ ràng
Thực ra, đây là thói quen rất tốt nếu bạn muốn bắt đầu viết truyện. Bởi lẽ Writer's block có thể xảy ra bất cứ khi nào và khi xảy ra, nó thường kéo dài trong một khoảng thời gian rất thất thường vì vậy đối với những bạn viết theo cảm xúc có khả năng cao sẽ bị "quên" mất cốt truyện hoặc những tình tiết hay mà mình đã nghĩ ra.
Đối với việc viết dàn ý, lời khuyên là hãy dùng giầy để viết và lưu lại trong một quyển sổ riêng rồi sau đó type vào điện thoại để lưu lại và mang theo bên mình. Điều này khi hình thành thói quen rồi thì ngay cả khi bị write block, bạn cũng sẽ không lo lắng sẽ quên mất tình tiết mà mình dự tính đưa vào trong truyện.
Nói tới việc viết dàn ý, hãy cố gắng viết ra càng chi tiết càng tốt theo dạng cây folder. Cách viết này bắt đầu từ sườn chính với các mốc mạch truyện chính và phân nhỏ ra thành nhiều chi tiết giữa hai mốc chính, bạn cũng đừng quên thiết lập tiểu sử và thiết kế nhân vật chi tiết, vì những điều này có thể giúp bạn định hình được tính cách và nắm bắt tâm lý nhân vật tốt hơn.
Đối với các tình tiết giữa hai cột mốc chính của truyện, bạn có thể vẽ biểu đồ bao gồm hành động được mô tả bằng những mũi tên đi kèm với tên từng nhân vật. Bởi vì so với việc gõ phím, thì viết ra điều gì đó có thể giúp chúng được ghi nhớ trong não bộ của bạn lâu hơn, cũng giống như học bài, mỗi lần chép lại bài viết đó sẽ giúp bạn nhớ thêm 30% nội dung của bài, đối với dàn ý cũng vậy.
3. Tạo thói quen viết lách mỗi ngày
Từng có khá nhiều bé bạn của mình hỏi riêng "bí quyết" giúp mình có thể viết khỏe và nhiều tới vậy, trên thực tế, chẳng có bí quyết nào ngoài việc tạo thói quen gõ chữ mỗi ngày cả. Điều này thực sự rất thích hợp để giải quyết tình trạng write block, bởi lẽ một khi đã hình thành thói quen thì chỉ cần bỏ viết một ngày cũng khiến bạn cảm thấy bứt rứt và đứng ngồi không yên, cho đến khi có thể ngồi vào bàn viết đàng hoàng và đủ chữ thì mới có thể không cảm thấy bồn chồn được.
Mình từng tham gia một event nhỏ của công ty cũ chuyên về digital marketing với yêu cầu mỗi ngày đều viết một bài/status dài ít nhất 300 chữ trong liên tục 90 ngày. Đầu tiên khi nghe đến event, mình đã nghĩ chẳng bao giờ mình làm được điều đó vì mọi thứ đối với mình rất tùy hứng và không theo bất cứ quy luật nào. Tuy nhiên từng ngày trôi qua cho đến 3 tháng sau đó, mình lại là người duy nhất giữ được toàn bộ các bài viết đều đặn và nó cũng mang lại cho mình một số lợi ích kha khá cùng thói quen viết đều đặn mỗi ngày, bất kể là viết gì.
Việc chia sẻ ý tưởng và nội dung truyện sáng tác của bản thân cho người khác đọc là rất quan trọng. Ví dụ bạn có thể chia sẻ lên Tinh Hội và cùng bàn luận với anh em đồng đạo. Điều này tạo ra một nhóm những người yêu thích viết lách, tạo động lực cá nhân cho bạn trong một chặng đường dài.
Vietnovel Origin - Truyện Sáng Tác Việt: https://www.vietnovel.com/
Nguồn tham khảo: https://www.facebook.com/fictionstorage/posts/688327301372332/