Vì Em Mắt Biếc Nên Tôi Mềm Lòng — Một Câu Truyện Đam Mỹ Ngắn Hay Không Tưởng!
“Dượng tư.
Có lúc Trương Bảo Khánh gọi dượng, vì dượng là vợ của cha hắn.
Có lúc Trương Bảo Khánh gọi độc một chữ Tư, vì dượng còn kém hắn vài tuổi.
Có lúc Trương Bảo Khánh gọi thẳng tên A Dịch, vì trước khi trở thành vợ của cha hắn, trở thành dượng tư của hắn, người đó đã là ánh trăng sáng trong lòng hắn rồi.”
Chỉ vài dòng mở đầu, Tống — tác giả của bộ truyện đam mỹ Vì Em Mắt Biếc Nên Tôi Mềm Lòng đã giới thiệu tóm gọn cho chúng ta biết tình cảnh trớ trêu của hai nhân vật vật chính.
Hẳn đọc xong những câu trên, các bạn sẽ thấy lạ ở chỗ, vì sao Trương Bảo Khánh phải gọi A Dịch là Dượng Tư chứ không phải Má Tư như bao câu chuyện khác. Khi đọc tới đây, mình đã dừng lại vài giây để đọc kỹ lại xem bản thân có nhầm lẫn hoặc tác giả có mắc lỗi chỗ nào chăng?
Nhưng không. Đúng là như thế, A Dịch là vợ tư của ba Trương Bảo Khánh và A Dịch là một cậu thiếu niên mười bảy tuổi.
“Bao nhiêu năm cha hắn bôn ba bên ngoài, tự do vùng vẫy trên những con tàu viễn dương, cách mấy năm lại đem về một bà vợ, cách mấy tháng lại đem về một tình nhân, song chưa bao giờ trong số đó có bóng dáng đàn ông. Thế mà đến khi chân yếu mắt mờ, không thể ngao du tứ hải, lão nằm chảy thây ở trường kỷ và đòi cưới thằng bé nhà cuối thôn.”
Đúng thế, cha Trương Bảo Khánh là một lão già ngoài sáu mươi. Ở cái tuổi mà lẽ ra ông ta phải sống sum vầy cùng con cháu, hưởng thụ niềm vui lão ấu thì lão Trương bỗng sinh tật lạ. Ông ta cưới một thằng nhóc nhỏ hơn con ông ta tận vài tuổi về làm vợ lẽ. Thật chẳng biết khi ra quyết định này, lão Trương đầu hai thứ tóc nghĩ gì! Mình không tin ông không biết về mối quan hệ của Trương Bảo Khánh và A Dịch khi mà mấy đứa nhỏ khác trong nhà đều ít nhiều biết tới. Có điều lý do này thì tác giả không nhắc tới.
Truyện xoay quanh Trương Bảo Khánh, chủ yếu kể nhiều về những suy nghĩ và trăn trở của hắn ta. Gần năm ngàn con chữ ở phần đầu, lý giải rõ ràng về mối quan hệ thơ dại của hai đứa nhỏ và những tình cảm tưởng chừng sẽ vẹn toàn của Trương Bảo Khánh và A Dịch. Có điều, đời không như là mơ, bởi vì A Dịch của hắn sẽ không bao giờ quay lại. Họa chăng chỉ còn mỗi Dượng Tư đứng ttại cánh cửa gỗ kẽo kẹt có dán chữ hỉ mà thôi.
“Trương Bảo Khánh đi học ở trên huyện về, thấy mặt mẹ mình cùng dì hai, dì ba sạm lại như ráng chiều, bà nào bà nấy thi nhau thở vắn than dài, hắn lấy làm lạ lắm. Cũng không ai kể với Trương Bảo Khánh rằng cha hắn mới cưới thêm vợ, tự hắn nhận ra khi thấy căn phòng trống ở sân sau dán chữ Hỉ đỏ chói trên cánh cửa. Bấy giờ trong chiếc túi kiểu bưu tá của hắn đang đựng đầy bánh kẹo mua từ dạo lên thành phố chơi, Trương Bảo Khánh định bụng sẽ đem sang cho A Dịch. Ngay lúc đó, cánh cửa dán chữ Hỉ kẽo kẹt hé mở, dượng tư lần đầu tiên xuất hiện trước mắt hắn. Trương Bảo Khánh đông cứng giữa sân. A Dịch của hắn không bao giờ trở về nữa.”
Có khi nào A Dịch nghĩ tới kết cục của cả hai sẽ là thế này chưa?
Mình nghĩ là đã từng. A Dịch chỉ là một thằng nhóc nghèo khổ học hết lớp ba phải đi bán đậu phụ trả nợ cho cha mà thôi. So với cậu cả nhà họ Trương, A Dịch làm sao mà dám trèo cao cho được. Trong mắt A Dịch, Trương Bảo Khánh là ánh sao, là vầng trăng, là ánh mặt trời mà một người thuộc về nơi tăm tối như A Dịch chẳng thể nào chạm tới.
Hai người tưởng chừng ở thế giới hoàn toàn khác nhau nay gặp được nhau đều nhờ duyên số. Thế nhưng duyên trời lại chẳng thể vẹn toàn cho A Dịch và Trường Bảo Khánh. Họ vẫn ở bên nhau, vẫn gặp nhau hằng ngày đó thôi. Có điều bây giờ đã trở thành hai đường thẳng song song, chẳng còn thứ gì trên đời có thể xóa nhòa được khoảng cách của cả hai.
A Dịch tự ti vì thân phận nghèo hèn, tự ti vì bản thân đã nhơ nhuốc.
Truơng Bảo Khánh hận sự phản bội của A Dịch, hận A Dịch rời bỏ hắn.
“Trương Bảo Khánh nhếch môi cười, hằn học đáp lại:
- Cảm ơn dượng đã quan tâm. Dượng hiểu chuyện như này, cha tôi hẳn phải yêu thương chiều chuộng dượng lắm.
Sự đay nghiến như xói vào tâm can, đôi mắt dượng tư tối lại. Trương Bảo Khánh nhận ra và lấy làm hả hê vì điều đó. Hắn đứng dậy phủi mông, ngay trước mặt dượng tư ném đi chiếc vòng đan bằng sợi đay đã đeo suốt mấy năm ròng. Chiếc vòng nhẹ bẫng bay trên không trung rồi rơi tõm xuống sông, mặt nước chấn động phút chốc rồi lại về với thinh lặng. Lúc đi ngang qua dượng — bấy giờ đang ngây ra như phỗng, Trương Bảo Khánh rất muốn sờ lên mái tóc dài xõa ngang vai đó. Mà cũng may hắn là loại người sống bằng lý trí. Hắn gắng sức nhịn lại, khẽ khàng bên tai người bạn thời niên thiếu và nay đã trở thành mẹ kế của hắn:
- Tạm biệt, A Dịch.”
Kể từ giây phút đó, Truơng Bảo Khánh vẫn là Trương Bảo Khánh. Nhưng A Dịch đã trở thành Dượng Tư của nhà họ Trương.
Có câu “trẻ không chơi, già rồi sinh tật”, mình vẫn thường nghĩ câu này sinh ra vì khi con người ta có tuổi sẽ quay về thời thơ ấu, người già sẽ càng lúc càng giống trẻ con hơn. Bởi lẽ, cuộc sống là một vòng tuần hoàn. Điểm bắt đầu và kết thúc không hề thay đổi. Và khi người ta dành cả một đời để bươn chải thì như một lẽ hiển nhiên, khi về già họ cần trở nên thơ trẻ hơn để vui vẻ đi thêm vài bước cuối cùng.
Nhưng Vì Em Mắt Biếc Nên Tôi Mềm Lòng lại tạo ra một khái niệm khác về câu nói trên. Lão Trương vốn đã có ba bà vợ và hai trai hai gái cùng sự nghiệp phát đạt, có nói lão là người giàu nhất cả thôn cũng chẳng ngoa đâu. Vậy mà ở độ tuổi lục tuần, lão Trương chẳng biết nghĩ gì lại rước A Dịch về để thỏa mãn thú tính của lão.
“- Thế… dượng tư thì sao?
Hắn nuốt nước bọt, tim đánh như trống bỏi khi nhắc về người ấy.
- Dượng tư có khỏe không?
Đến đây, giọng Thái Qua đầu dây bên kia chợt nhỏ lại:
- Dượng tư không khỏe, vừa mới ốm dậy. Bữa đó dượng ấy đau bụng dữ lắm, phải ra bệnh xá nữa kìa. Em nghe bảo trong ổ bụng dượng ấy có một vét loét rất lớn, còn bị nhiễm trùng. Ui, nghĩ mà sợ!
…
Trán Trương Bảo Khánh rịn mồ hôi lạnh. Hắn có thể tưởng tượng ra rất nhiều đêm, cha hắn và thú vui chăn gối dã man của lão đã khiến A Dịch khổ sở nhường nào. Rồi hắn nhớ về ánh mắt tuyệt vọng của dượng, ánh mắt đã thiêu rụi lòng hắn, ám ảnh hắn cả nửa năm trời. Nửa năm sau, ánh mắt ấy trở nên trống rỗng, tưởng như chính dượng cũng đã tắt lửa lòng. Trương Bảo Khánh siết chặt khớp hàm, hắn đã làm gì thế này?”
A Dịch đau khổ, Trương Bảo Khánh cũng khốn đốn không kém. Thế nhưng hắn có thể làm gì được cho người mình thương?
Xuyên suốt câu chuyện là sự day dứt và tự trách của Trương Bảo Khánh, hắn yêu người không nên yêu và dù yêu thương tới mấy đi nữa, họ cũng không cách nào đến được với nhau.
Ngược lại, A Dịch thì vẫn thế. A Dịch biết rõ thân phận của mình nên tự ti. A Dịch vẫn yêu Trương Bảo Khánh và yêu đến nồng nàn da diết. Dù phải gồng mình, đánh đổi tất cả chỉ để chống đỡ gia nghiệp gần như lụi tàn của người hắn thương. Dù rằng hắn không cần phải làm thế và hắn có thể lựa chọn một con đường tự do rộng mở hơn để bắt đầu lại hết thảy.
“Cô nhớ lúc trông thấy tờ biên lai của bệnh xá rơi ra từ túi áo A Dịch, cô đã buồn rầu rất lâu, buồn tới mức một ngày nọ còn lên chùa hỏi người mẹ đã xuất gia của mình rằng:
- Tại sao mẹ bỏ mặc chúng con được, mà người không thân không thích như cậu ấy lại cứ níu tụi con ở lại ngôi nhà vốn đã tan tác và trở thành chỗ dựa mới cho tụi con?
Mẹ cô đánh mắt về phía xa xôi, đáp:
- Cậu ấy giống mẹ hồi trẻ, không muốn sang sông nhưng cứ đứng tần ngần ở bến đò vì trót lụy một con đò.
Khi ấy Hồng Quả chưa hiểu hết, cô cho rằng mẹ mình chỉ đang bào chữa cho sự vô trách nhiệm của bà thôi. Chỉ tới cái hôm A Dịch bỗng hỏi cô về chuyện ngày bé của Trương Bảo Khánh, Hồng Quả mới bắt đầu để ý.”
Đã khá lâu rồi mình chưa đọc được truyện ngắn hay như vậy. Từng câu chữ của Tống như được cô truyền cảm xúc và thổi hồn vào. Văn phong cực kỳ trơn mượt khiến người đọc như hòa mình vào từng khoảnh khắc và cảm xúc của nhân vật. Truyện hay từ nội dung, ý tưởng đến cách hành văn. Các nhân vật dù xuất hiện ít hay nhiều đều được Tống diễn tả vô cùng tinh tế.
Đây là truyện ngắn đam mỹ mà bạn tuyệt đối đừng bỏ qua. Nó sẽ khơi gợi cho bạn rất nhiều ý tưởng cũng như tạo cho bạn đam mê để sáng tác nếu bạn đang là tác giả đây. Đồng thời, đừng quên đăng truyện tự sáng tác của bạn lên Vietnovel.com nhé!