Hướng dẫn các bước sáng tác truyện trên Vietnovel Origin (P.1)
Như mình đã giới thiệu ở bài viết trước, Vietnovel Origin là ứng dụng sáng tác truyện chính thức đầu tiên dành cho các tác giả Việt Nam, được phát hành bởi website https://www.vietnovel.com/
Hôm nay mình xin được hướng dẫn các bạn từng bước một cách sáng tác ra một bộ truyện thú vị trên ứng dụng Vietnovel Origin.
Có hai kiểu viết truyện: một là tạo sẵn dàn bài và các tình tiết rồi phát triển câu chuyện dựa trên dàn bài đó, mình gọi cách này là viết kiểu xương cá; hai là viết tuỳ ý, nghĩ đến đâu viết đến đấy, cách này đôi khi cũng sẽ tạo ra một tuyệt phẩm, mình gọi đây là cách viết xâu chuỗi.
Trong bài này, mình sẽ hướng dẫn cách viết theo kiểu xương cá, vì đây là cách thích hợp nhất dành cho những bạn mới tập tành viết lách. Mời các bạn theo dõi các bước sơ lược cần có khi sáng tác truyện như sau:
- Đừng chờ các ý tưởng tự đến. Viết lách cũng như quá trình tiêu hóa, bạn sẽ không thể hấp thu chất dinh dưỡng nếu thiếu nguyên liệu nạp vào. Hãy chủ động đi tìm ý tưởng.
- Ý tưởng không nhất thiết phải đến từ một bộ truyện. Nó có thể đến từ một MV, một bộ phim hoặc thậm chí là một chuyến du lịch. Thế nên hãy ghi lại các ý tưởng bất chợt vào điện thoại hoặc sổ tay. Những ghi chép đó sau này có thể sẽ trở thành một phần quan trọng trong câu chuyện của bạn.
- Nghĩ về sự kiện nào đó từ thời thơ bé hoặc trong quá khứ mà bạn vẫn còn nhớ, hoặc nghĩ về tất cả các câu chuyện mà bạn đã nghe, hoặc một sự kiện trong bản tin mà bạn cảm thấy hấp dẫn, thậm chí một truyện ma mà bạn nghe kể từ lâu vẫn ám ảnh bạn đến tận bây giờ…
- Có người khuyên nên viết về điều mà bạn biết, có người lại cho rằng nên viết về những điều không ai nghĩ đến. Hãy tự lựa chọn điều bạn đang muốn viết nhất lúc này.
- Trước tiên bạn cần phải xác định câu chuyện của bạn thuộc thể loại nào: ngôn tình, trinh thám, hiện đại, cổ đại, tu tiên, hệ thống, võng du, ma pháp, mau xuyên, lịch sử, kiếm hiệp, xuyên không, trọng sinh…
- Đừng quên một bộ truyện có thể kết hợp nhiều thể loại với nhau, VD: truyện ngôn tình hệ thống mau xuyên, truyện đô thị trọng sinh ma pháp,…
- Hãy xác định mình sẽ viết truyện kết thúc có hậu, kết thúc buồn, hay kết thúc mở.
4. Xác định giọng văn của bản thân:
- Có người viết truyện bằng giọng văn mượt mà bay bổng, có người dùng giọng văn hài hước, bình dân, cũng có người dùng giọng văn trầm tĩnh u ám. Dựa vào thể loại truyện, màu sắc truyện và phong cách viết của chính bản thân mình, bạn hãy xác định giọng văn cho phù hợp và nhất quán nhé.
5. Xác định ngôi thứ kể chuyện:
- Một câu chuyện có thể được kể trên ba góc nhìn chính: ngôi thứ nhất (“tôi”), ngôi thứ hai (“bạn”), và ngôi thứ ba (“anh/hắn” hoặc “cô’’). Khi truyện được kể ở ngôi thứ nhất, một nhân vật trong truyện đóng vai trò là người kể chuyện. Với truyện viết dưới góc nhìn ở ngôi thứ hai, người đọc trở thành một nhân vật trong truyện. Truyện kể ở ngôi thứ ba sẽ được kể bởi một nhân vật ngoài cuộc.
- Truyện kể ở ngôi thứ hai rất hiếm, hầu hết mọi người đều sử dụng ngôi thứ nhất hoặc thứ ba. Nếu bạn đang bắt đầu tập viết truyện thì đừng thử ngôi thứ hai nhé.
- Xác định bối cảnh truyện xảy ra ở đâu, khi nào, xã hội đó có nguyên tắc ra sao…
- Xác định số lượng bối cảnh thế giới (nếu viết truyện mau xuyên hoặc tu chân). Để đạt được hiệu quả mong muốn, thông thường bạn không nên triển khai nhiều hơn 2–3 bối cảnh thế giới. Nếu muốn kể một câu chuyện có phạm vi rộng hơn, bạn phải xác định tiểu thuyết của bạn sẽ dài hơn 100.000 chữ.
- Bối cảnh truyện nên được lồng ghép trong những hành động mà nhân vật đang thực hiện để tránh gây nhàm chán khi đặc tả bối cảnh quá nhiều.
- Hãy diễn đạt để người đọc có thể hình dung ra được bối cảnh thay vì giải thích. VD: Thay vì giải thích “Sa mạc nóng bỏng”, hãy cho thấy vùng sa mạc đó nóng như thế nào bằng cách mô tả mặt trời thiêu đốt trên da của nhân vật, những làn hơi nóng bốc lên từ cát bỏng, không khí đặc quánh và ngột ngạt…
- Đừng quên tính đến cả bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa nếu bạn đang viết truyện lịch sử. Bạn phải diễn đạt câu chuyện theo cách nhìn và cách hành xử của con người tại thời điểm lịch sử đó.
- Nếu bạn viết truyện từ góc nhìn của ngôi thứ nhất, hãy miêu tả bối cảnh tác động đến từng giác quan như thế nào.
- Đừng chọn một bối cảnh cho truyện chỉ vì bạn cảm thấy nó có vẻ hay. VD: Có thể câu chuyện của bạn sẽ thích hợp với khung cảnh một trạch viện hơn là một hoàng cung.
- Và bạn đừng quên, nhân vật vẫn quan trọng hơn bối cảnh. Mặc dù bối cảnh tạo thêm bầu không khí hấp dẫn cho truyện nhưng người đọc vẫn thích xem hành động của nhân vật và tiến triển của cốt truyện hơn. Bối cảnh phải có tác dụng làm nổi bật nhân vật và cốt truyện.
(Còn tiếp)